Mạng xã hội là đối thủ hay cộng sự báo chí

Ít ra thì cũng đôi ba năm gần đây sự hiện diện của internet, smartphone và mạng xã hội là những thứ mà con người khó lòng thoát khỏi sự lệ thuộc. Điều này không thể là ngoại lệ đối với một lĩnh vực gắn chặt với “thông tin” là báo chí.

Ngoài các website được thiết lập cả hơn chục năm trước, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã phải thừa nhận sức mạnh, tiện ích, và khả năng lan truyền thông tin của mạng xã hội. Từ bỏ sự phản kháng, lựa chọn cách sống song đôi với mạng xã hội trở thành một xu hướng. Từ chỗ cho rằng mạng xã hội là ảo, Facebook là không chính danh,… việc đẩy tin bài lên các giao diện ấy ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí còn là cách để quảng bá chính thức, nhanh và hiệu quả.

Nếu báo hình, báo tiếng có tài khoản YouTube thì nhiều tờ báo in, dù đã online, vẫn phải mở tài khoản Facebook và gần đây là Zalo. Sứ mệnh của các tài khoản này trước hết để giới thiệu và dẫn link từ các bài báo mạng của chính mình, sau đó là thay thế cơ chế tiếp nhận phản hồi của độc giả qua lượng “like” và “commnent”. Sự thay thế đó là phù hợp! Vì độc giả ngày nay đôi khi không để tâm, thậm chí dài ngày không trực tiếp hay chủ động mở website của một tờ báo. Nhiều người chỉ đọc bài khi có ai đó dẫn link, share, hoặc khi được chính các tờ báo đẩy bài của mình lên “diễn đàn” (forum), “thông tin mới” (new feed) hay “tường” (wall) của độc giả đó. Trong thời đại “cần gì thì gõ gu-gồ” đọc và chỉ đọc nhiều các bài được share hoặc share nhiều là chuyện trở nên bình thường.

Dễ nhận thấy, mạng xã hội đã được các tờ bào tiếp thêm sinh khí. Nhưng mạng xã hội, ngược lại cũng là nơi để không ít phóng viên và tờ báo “lẩy tin”. Bỏ qua tính hai mặt, khía cạnh nghề và nghiệp vụ, nhiều bài báo xuất hiện từ thông một ai đó đăng lên Facebook hay một clip nào đó được truyền trên YouTube luôn có độ nóng và độ hấp dẫn cao. Trước khả năng truyền tin “vũ bão” của mạng xã hội, không ít tờ báo, từ sự ngần ngại ban đầu buộc phải xem xét và sắp xếp lại quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, chí ít là ở bộ phận phụ trách bạn đọc.

Kết quả, theo WAN-IFRA, niềm tin bạn đọc dành cho báo mạng và nguồn dữ liệu tìm kiếm ngày càng gia tăng, trong lúc đó xu hướng đang xảy ra ngược lại với mạng xã hội lẫn báo chí truyền thống. Các số liệu còn cho thấy thói quen sẵn sàng trả tiền mua tin của độc giả cũng dần dần được hình thành và ngày càng tăng lên. Đặc biệt, trong số 53% độc giả trưởng thành trả phí, có 26% có thể chuyển qua trả tiền cho những thông tin mà mình đã sử dụng miễn phí. Vì lẽ đó, theo Giám đốc điều hành của WAN-IFRA – Vincent Peyrègne, các tờ báo ngay từ bây giờ cần chuyển hướng mục tiêu và dành sự quan tâm nhiều hơn đối với bạn đọc.

Trả lời