Kinh doanh trực tuyến: Tầm nhìn dài hạn trên hành trình chông gai

Trong vòng một năm qua, hàng loạt trang web bán hàng trực tuyến đã phải đóng cửa do hoạt động không có hiệu quả. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hấp dẫn của thương mại điện tử Việt Nam (35%) tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào ngành này. Hàng loạt cái tên mới gia nhập thị trường trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các tên tuổi lớn vẫn khốc liệt. Ngoài chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chiến lược dài hạn để sống sót trên thương trường đầy sóng gió này.

Thương mại điện tử Việt Nam đang được các chuyên gia nhìn nhận là đầy tiềm năng khi số người sử dụng Internet đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự thách thức với các doanh nghiệp nội địa là không nhỏ bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này. Chưa kể thị trường đang bước sang giai đoạn tăng tốc, sự chênh lệch về hạ tầng kỹ thuật cùng mức chi tiêu của người tiêu dùng ở các địa phương ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến nhiều sự thách thức mới.

Thị trường kẻ đến, người đi

Giữa tháng 6 vừa qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tham gia vào thị trường thương mại điện tử bằng việc khai trương sàn giao dịch https://badasa.com.vn. Vietnam Post muốn sàn kinh doanh trực tuyến này là nơi gắn kết giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp các dòng sản phẩm chuyên biệt, đặc sản thuộc nhiều ngành nghề và người tiêu dùng trên mọi vùng miền đất nước.

Người mua và người bán sẽ giao dịch trực tiếp qua sàn badasa.com.vn, còn Vietnam Post sẽ cung cấp dịch vụ chuyển hàng và thu tiền trên toàn quốc thông qua việc tận dụng hệ thống phương tiện vận chuyển gồm sáu toa tàu đường sắt Bắc-Nam, 1.500 ô tô chuyên dụng mà công ty này đang quản lý và vận hành.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đánh giá việc Vietnam Post vận hành sàn trực tuyến là một bước đi nhanh nhạy của doanh nghiệp nhằm bắt kịp với xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Vietnam Post, cho biết công ty có lợi thế về dịch vụ chuyển phát, thanh toán, thu tiền cùng lực lượng nhân sự đông đảo có mặt tại khắp các vùng miền từ đô thị đến nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, Vietnam Post lại là một gương mặt mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, do đó, cần học hỏi và tích lũy những bài học kinh nghiệm cùng cơ hội kinh doanh trong quá trình vận hành các dịch vụ chính của mình hiện nay, trong đó có dịch vụ chuyển phát hàng hóa cho các doanh nghiệm thương mại điện tử.

Gia nhập thị trường Việt Nam hơn một năm, trang thương mại điện tử Shopee.vn, trực thuộc công ty công nghệ đình đám của Singapore là Garena (vừa đổi tên thành SEA), cho biết đã có hơn 5 triệu lượt cài đặt phần mềm ứng dụng và đạt mốc 4 triệu sản phẩm được bày bán  hồi tháng 8 vừa qua. Shopee không tiết lộ con số doanh thu trong một năm hoạt động tại Việt Nam nhưng cho biết đây là thị trường đứng thứ ba trong khu vực về mức tăng trưởng, chỉ sau Indonesia và Đài Loan. Tại bảy quốc gia và vùng lãnh thổ mà Shopee đang có mặt, tổng giá trị giao dịch hàng hóa đã vượt qua con số 3 tỉ đô la Mỹ và nền tảng thương mại điện tử này đã có hơn 40 triệu lượt cài đặt ứng dụng.

Để cạnh tranh, Shopee đã đưa ra chính sách miễn phí vận chuyển với các đơn hàng có giá trị trên 180.000 đồng trên toàn quốc. Để kiểm soát chất lượng hàng hóa, Shopee dựa trên hệ thống đánh giá (thông qua sự bình chọn) của người mua dành cho người bán, sau đó lọc ra danh sách các cửa hàng bán hàng hóa có uy tín. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng làm việc với các thương hiệu lớn, các nhà cung cấp hàng hóa chính hãng, hàng hóa có sự bảo đảm cho người sử dụng. Ngoài ra, Shopee.vn còn tổ chức ngày mua sắm trực tuyến thường niên vào ngày 9-9 với nhiều mặt hàng được giảm giá và khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

Trước khi Shopee tham gia thị trường, tập đoàn VinGroup cũng đã đổ một số vốn khá lớn vào lĩnh vực thương mại điện tử bằng việc mở trang web adayroi.vn và mua lại công ty chuyển phát Hợp Nhất để gia tăng tính tiện ích cho trang web này. Khoản đầu tư vào các dự án kể trên không được VinGroup tiết lộ.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhận định trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam, thương mại điện tử là một lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn bởi tiềm năng và độ phát triển của thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều gương mặt mới xuất hiện thì cũng có không ít doanh nghiệp đã rời đi. Ví dụ, tập đoàn VNG đã bán trang web 123mua.vn cho FPT; Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h đã ngừng trang Deca.vn do hoạt động không có hiệu quả; Lingo.vn cũng phải đóng cửa sau khi tiêu hết tiền của nhà đầu tư nước ngoài và không còn vốn để tái đầu tư; Lazada đã chọn cách bán cổ phần chi phối cho “người khổng lồ” Alibaba để tiếp tục mục tiêu bành trướng ở Đông Nam Á.

Thị trường khó lường

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, kể rằng công ty của ông bước chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên, vào năm 2004, nhưng hiện tại chỉ còn duy trì trang ChợĐiệnTử.vn và đã dừng trang eBay.vn. Trang eBay.vn là dự án hợp tác giữa NextTech và sàn thương mại điện tử lớn của Mỹ eBay.com, nhưng hiện tại eBay Đông Nam Á đang đuối sức, không tiếp tục rót vốn đầu tư vào khu vực này.

Ông Bình cho biết trong vài năm gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính tham gia vào thị trường thương mại điện tử, chịu lỗ lớn trong giai đoạn ban đầu để đạt mục tiêu thu hút khách hàng, chiếm thị phần. Chính điều này khiến cho cuộc đua tranh trên thị trường những năm gần đây ngày càng trở nên khốc liệt, những doanh nghiệp không còn tiền đầu tư phải rời “sân chơi”.

Theo ông Bình, các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn là những doanh nghiệp chấp nhận lỗ lớn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường sẽ là những cái tên có thể tồn tại đến cuối cuộc chơi. Bởi vì, đã có nhiều doanh nghiệp trong 1-2 năm đầu tiên được đầu tư vốn rất nhiều nhưng sau đó đã phải đóng cửa. Thực tế cho thấy thị trường kinh doanh trực tuyến luôn tồn tại những yếu tố bất ngờ, và những doanh nghiệp mạnh nhất hiện nay cũng khó lường hết những thử thách trước mắt. Đây là cuộc đua đường dài của những đối thủ có tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực mạnh mẽ.

Theo ông Bình, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đi sau, phát triển chậm hơn các quốc gia phát triển ở châu Á nên doanh nghiệp nếu không có chiến lược dài hạn và tối ưu hóa nguồn lực thì sẽ chết. “Hiện tổng chi phí đầu tư vào thương mại điện tử của NextTech Group trong 15 năm qua mới khoảng 4 triệu đô la, ít hơn nhiều so với một số sàn thương mại điện tử. Tổng doanh số của sàn trong năm 2016 là 250 triệu đô la, NextTech là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi kinh doanh hòa vốn và còn có lãi trên thị trường. Từ năm 2014, công ty đã chủ động trong việc thu – chi tài chính, nhà đầu tư nước ngoài đã ngừng cấp vốn từ năm 2012”, ông Bình nói.

Những lối đi riêng

Ông Bình cho biết quan điểm của NextTech là không tham gia vào cuộc chơi giảm giá sản phẩm để thu hút khách hàng. Công ty không đầu tư quá nhiều tiền cho Chợđiệntử.vn mà tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử, theo đuổi một mục tiêu lớn hơn là phát triển hệ sinh thái cho hoạt động kinh doanh trực tuyến và hướng mạnh ra thị trường nước ngoài.

Trong năm năm qua NextTech đã xây dựng được hệ sinh thái thương mại điện tử, bao gồm hệ thống mua bán xuyên biên giới Weshop ở bảy nước ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Mỹ; cổng thanh toán Ngân lượng.vn; phát triển ví điện tử trên thiết bị di động Vimo.vn; cung cấp dịch vụ quét thẻ thanh toán trên các thiết bị di động Mpos; hình thành trang web cho vay trực tuyến Vaymượn.vn; mở cổng chuyển phát hàng hóa Shipchung.vn phục vụ người bán hàng trực tuyến; đầu tư hệ thống lưu kho và hoàn tất đơn hàng Boxme.vn để người bán hàng không phải lo về dịch vụ hậu cần…

Mới đây NextTech còn hợp tác với Booking.com của Mỹ và một số đối tác để mở trang web 12trip.vn chuyên về đặt phòng khách sạn trong và ngoài nước, cung cấp dịch vụ cho phép trả góp khi đi du lịch… “NextTech đã không chỉ làm sàn kinh doanh mà còn tìm cách đa dạng hóa giải pháp cho thương mại điện tử. Đây là cách công ty tìm hướng đi riêng để tồn tại và phát triển,” ông Bình nói.

Trong một năm qua, Garena đã đầu tư một khoản tiền khá lớn (không được tiết lộ) vào Shopee.vn. Theo ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam, so với các quốc gia khác, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bởi doanh thu mới chiếm 3% trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ. Trong khi đó con số này của Trung Quốc là 15% và con số trung bình của các quốc gia trên thế giới là 7%.

Mục tiêu trước mắt của Shopee là góp phần thúc đẩy thị trường chung phát triển mạnh lên chứ chưa chú trọng nhiều vào việc cạnh tranh giành giật thị phần và doanh thu.

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT – nhà cung cấp giải pháp cho hơn 40.000 doanh nghiệp khai thác cơ hội kinh doanh từ thương mại điện tử – cho rằng ba yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này là xuất phát nhanh, cải tiến liên tục và triệt để. Vốn đầu tư là yếu tố quan trọng nhất, nhưng không phải là duy nhất quyết định sự thành công với thương mại điện tử. “Để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, đầu tiên nhà khởi nghiệp phải xác định được đối tượng khách hàng, tính ưu việt trong sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải lựa chọn các kênh bán hàng và có sự đầu tư phù hợp theo từng thời điểm, từng chiến lược và có sự cập nhật liên tục. Việc nâng cấp sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp có thể trụ vững trong môi trường này”, ông Tuyến nói.

Bên cạnh đó, yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp là sự trải nghiệm về sản phẩm, quy trình mua hàng và chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cần được tối ưu hóa thống nhất từ kênh trực tiếp đến kênh trực tuyến (xu hướng O2O – online to offline). Đó sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp thành công trong sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh trực tuyến hiện nay.

Trả lời